jeudi 27 février 2014

BỖNG NGỌT VỊ ĐỜI


CTNM (nằm viện)
cùng đám bạn văn
Cầm cuốn sổ 25 năm trước tôi tập tò dịch lại tác phẩm Kẻ Tiên Tri của Khalil Gibran cho qua những ngày tháng đau bệnh, thất nghiệp, chán nãn một thuở nào, giở trang đầu tiên đọc lại, những dòng chữ như đang cùng tôi nhảy múa:
Làm sao có thể ra đi trong thanh thản mà chẳng khổ đau? Không, sao ta có thể rời bỏ thành phố mà chẳng để lại vết thương lòng.
Dằng dặc là những chuỗi ngày đau khổ mà ta đã trải qua ở chốn tường thành. Dằng dặc là những đêm cô đơn; và ai có thể rời sự thống khổ và cô đơn mà chẳng đắng cay.
Hằng hà mảnh hồn ta đã tan tác trong các đường phố này. Hằng hà những đứa con của khát vọng ta, trần truồng đi trong những ngọn đồi này, và ta chẳng thể dứt bỏ nhẹ nhàng được.
Đó chẳng phải trang phục ta có thể cởi ra hôm nay; đó là tấm da ta phải đành lòng giật ra tự đôi tay mình
Đó chẳng phải một ý tưởng để ta dễ dàng dứt bỏ; đó là trái tim nguội lạnh bởi sự đói khát khôn nguôi
(Le Prophète, Khalil Gibran)
Tôi thở dài gấp lại, liên tưởng đến anh Chu Trầm Nguyên Minh, liên tưởng đến anh Thanh Hồ và không sao nguôi ngoai giòng nhớ.
Cả hai anh, nhà thơ và nhà họa sĩ tôi biết đều có chung một nỗi niềm, một vết cứa tình bạn chưa bao giờ lành. Chung qui cũng vì đời hai anh quá trọng nghĩa tình.
Nỗi đau của anh Thanh Hồ về người bạn thân thiết ngày nào cùng quẩn, trốn lính cũng ngộ. Ngày anh cất nhà, anh cương quyết phải chừa đường dọc hông nhà một mét dù chiều rộng nhà chỉ còn vỏn vẹn hơn ba mét. Cuối đường, sát tường dựng một thủ kỳ nhỏ che một lổ hổng tường, chỉ bởi nhà bạn đối lưng nhà anh. Anh nói để bạn anh có đường thoát khi bị khám nhà. Sau 75 anh bạn bay bổng coi như không biết có anh.
Còn anh Chu Trầm Nguyên Minh thì “tội” bảo bọc một người bạn của người bạn khi anh còn làm ở quân trường. Có lần vì vậy mà suýt phải ra tòa án binh nếu không nhờ chị Tùng Vân quen biết gỡ ra. Sau 75 anh chị cũng bị hồi mã thương khi sa cơ thất thế.
Năm 2003, gặp gỡ, nói chuyện với hai anh, nghe anh Thanh Hồ bực bội nói chuyện cùng anh Chu Trầm Nguyên Minh về nỗi đời, anh Chu Trầm Nguyên Minh chỉ nói chuyện đời nó đã là vậy thôi bỏ qua cho nhẹ lòng. Tôi không rành nên chẳng tiện xen ngang.
Nhưng nghe chừng vết cứa đó vẫn còn y đó. Chuyện đời đừng nghĩ đến thì thôi, tuổi già lại hay hồi tưởng, nhớ tới lại ngậm ngùi.
Có lần gần đây khi qua chơi cùng anh Chu Trầm Nguyên Minh, anh hỏi tôi: em thấy có nên gạt bỏ một khoảng buồn quá khứ không vui với mình không? Tôi biết anh vẫn canh cánh chuyện đó nên nói: việc đó là do anh. Nên hay không chẳng quan trọng gì so với việc thanh thản với tâm mình. Biết đâu họ cũng mãi mang cục đá nặng nề như anh trĩu buồn vì chuyện đó suốt khoảng dài mấy chục năm qua
Cánh thời gian bay hút đi, vệt đời dài vẫn cứ quét vào tim nhau những cơn đau nhói lòng. Anh Lê Vĩnh Thọ vẫn mãi đùa anh là nhà giáo làm thơ, việc đời cứ phải như việc dạy trẻ, gai mắt khó chịu thì không thể xuề xòa vuốt nhẹ bỏ qua. Tội nghiệp cho một chữ tình làm sao tròn trịa lăn trên cõi nhân gian đầy gai góc lọc lừa này.
@
Sớm hôm qua, tôi gọi điện cho anh vào giấc sáng thăm hỏi sức khỏe. Nghe gọi, cô con dâu của anh hỏi anh có trả lời được không, và sau đó là giọng nhẹ hụt hơi của anh làm tôi giật thót mình. Tôi nói anh chuyển lại cho cô con dâu để hỏi chi tiết và nơi anh nằm điều trị. Hóa ra anh đã vào bệnh viện Triều An từ mùng hai tết mà tôi chẳng hề hay biết do còn ở Nhatrang.
Vợ chồng tôi vào đến, thì đã có mặt một số anh em Quán Văn. Vợ chồng anh Trương văn Dân và Elena vẫn là những bạn sốt sắng với cánh anh em làm văn nghệ rồi Lê Ký Thương, Vũ Thế Thành… nồng ấm quanh anh. Gặp nhau anh mừng ra mặt và thăm hỏi từng người. Anh nói được sống cùng các bạn thì dại gì không sống. Anh dặn dò tôi đủ chuyện, tôi thì cứ nói thì còn nợ anh, từ từ trả... mặt vui nhưng lòng vẫn cứ buồn. Bây giờ bạn vây quanh, lát nữa đây tứ tán, nói như anh: bây giờ vui mừng thì cứ vui mừng, lát nữa lại tiếp tục… chiến đấu. Anh lại nhắc đến vợ chồng Út Chiến, tiếc lâu quá không gặp để Tiểu Nguyệt hát lại bài ca Năm Mới cho anh thỏa khóc lại một lần. Đúng anh trời sinh ra là để làm…thi sĩ. Bà xã tôi tuy không hát nhưng anh cũng đủ rơm rớm dặn “canh” tôi đủ chuyện. Vậy đó, thân anh còn lết bết như vậy cứ lo chuyện bao đồng. Vũ Thế Thành rổn rang chuyện dưới đất trên trời cùng anh. Trương văn Dân lại rủ anh đi thêm một chuyến Paris để sáng sáng ra phố tìm lại bà đầm bán bánh mì. Trông anh thật sảng khoái giữa tiếng cười nói và cả tiếng ca bài Lời tình buồn từ điện thoại của anh Vũ Thế Thành mở cho anh nghe. Ai nói vào bệnh viện không khí nặng mùi ê te?
Không viết được, không vào máy được là cả sự bực bội của anh. Anh làm việc như  sợ quỹ thời gian không đủ, không kịp. Anh đã thể hiện nghiêm chỉnh tính cách anh vẫn nói : khi mình cầm viết, phải có trách nhiệm với lịch sử và cuộc đời và chịu trách nhiệm cả với những người cùng giòng sống quanh mình
Nhìn lại quanh tôi hôm nay, không ai nhận mình là nhà này nhà nọ, chỉ là những người có khát vọng viết như một trải nghiệm sống và bộc bạch nỗi lòng để lấp bớt những nỗi niềm và hoài bão đã phôi phai dần theo năm tháng.
Chỉ còn đọng lại những bạn đời theo cùng năm tháng như những chứng nhân giữa đành hanh cuộc sống. Đời bỗng vui như cuốn Tương Tri nằm im bên gối để anh cảm nhận nơi xa các bạn vẫn dõi theo.
đặng châu long
12-02-2014

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire