jeudi 30 octobre 2014

BÔNG BÍ




hừng đông - bông bí nở
tan sương - bông bí tàn
giống như đời em vậy
vàng như bông bí vàng 


ta yêu em từ độ
biết tình em mong manh
biết tim em dễ vỡ
biết lòng em hiền lành... 


nên ta mơ là nắng
ngày hồn em đơm hoa
và làm con ong mật
ngày tình em trái mùa...


Trần Tuấn

vendredi 24 octobre 2014

THÁNG MƯỜI MƯA


người đi về nơi ấy
đâu biết ta buồn chiều sân bay
phía sau tay vẫy
là ngấn lệ
giấu bởi nụ cười trong mắt cay
người đi về nơi ấy
đâu biết ta ngồi đây có nhau
ngày mai
sẽ thành dĩ vãng
nhạt nhòa theo nỗi nhớ về sau…
người đi về nơi ấy
hun hút nẻo trùng khơi
nhớ người
ta gói mây trời lại
ướp lạnh thành mưa đổ xuống đời
người đi về nơi ấy
còn đây trái tim khô
đêm say ta uống trăng huyền hoặc
cạn nửa vòng quay quỹ đạo mờ
tháng mười - tháng mười mưa
heo may bỗng chuyển mùa
người đi
xa khuất khung trời vắng
quên một bàn tay vẫy đợi chờ!


Nguyễn Chinh
Tháng 10-2014

mardi 21 octobre 2014

QUA PHÁ



Tháng ba Huế mất
"Nhớ em anh cũng muốn vô
Sợ truông nhà Hồ sợ phá Tam Giang."

Ca Dao

Phá Tam Giang! Phá Tam Giang!
Nằm duỗi dài nghe Huế thở than.
Qua ngã ba Sình xuôi xuống phá
Đò ơi đâu nữa tiếng hò khoan?

ooo

gió khua mái nước nước trôi nhanh
nắng rải mênh mông sóng dập dềnh
phá Tam Giang ba con sông biếc
hẹn gặp nhau rồi ra biển xanh

tháng ba quân Cộng tràn vô Huế
trôi giạt nơi này nghe có em
mùa khô biển mặn chưa vùi lấp
bãi cát vàng những gót chân êm

đây phá Tam Giang vùng nước lợ
cỏ cây xơ xác ruộng đồng trơ
làng xóm tan hoang cồn bãi cháy
thây người sóng tấp dọc đôi bờ

ngày xưa người sợ truông và phá
anh sợ về đây không có em
nắng lòa con mắt mênh mang sóng
trôi giạt về đâu em bặt tin

những hồn bi phẫn không nguôi giận
những xác oan cừu nguyên nét đau
con thuyền nghiêng ngả trong cơn lốc
qua phá tìm em ngoài biển sâu

Ngự Thuyết

lundi 20 octobre 2014

BẮT CHƯỚC

tạp ghi

Bắt chước

 Khỉ hay bắt chước. Truyện kể rằng tại một làng nhỏ trên dãy núi Pyrénées bên Pháp, có một  ông nhà giàu nuôi một con khỉ. Ông này rất quý nó vì nó hay nhái lại những cử chỉ của ông mặc dầu những cử chỉ này đôi khi cũng rất ..khỉ. Thế rồi một hôm nhân lúc chủ sơ hở, nó nhanh chân vuột khỏi chuồng. Phú ông đã cố gắng bắt nó lại, bỏ trái cây ( chuối – cam - táo) vào chuồng nhử rồi dăng bẫy. Nếu nó tham ăn, chui vào cũi là cánh cửa xập và nó bị bắt lại ngay. Nhưng con khỉ tinh khôn chỉ đứng ngoài lấy que khều chuối ra ăn. Nó lờ mờ hiểu rằng sống ngoài chuồng tự do hơn, sướng hơn (1). Rồi nhe răng cười. Thật ra nó nhe răng để dọa nạt chứ khỉ không biết cười. Nó chạy sang những nhà xung quanh, phá phách, nghịch ngợm. Hàng xóm láng giềng rất bực bội. Có người đòi đi báo cảnh sát. Người khác đề nghị lấy súng săn bắn nó một phát là xong nhưng phú ông năn nỉ xin hoãn lại vài ngày để ông tìm kế bắt  lại.
Nạn nhân “đau khổ “ nhất có lẽ là ông thợ giày sống gần đó. Con khỉ ngồi trên cây, vừa gặm trái táo vừa ngó chòng chọc vào tiệm giày. Thế rồi chờ lúc ông đi vắng, nó chui qua cửa sổ và làm lại những hành động của ông. Ông thợ giày về buồn rầu, khổ sở vì phòng làm việc của ông bừa bãi, tung toé, giày dép bị khỉ dùng dao cắt hư hết. Miếng da ông mới mua cũng bị cắt ra nhiều mảnh vụn. Phen này ông lỗ to. Ông tìm cách trả thù. Thấy nó ngồi chễm chệ trên cành cây, ông coi như không thấy nó, lấy con dao bén nhất giả vờ cứa cổ mình. Rồi ông đi chợ một lát. Lúc trở về, đúng như ông tiên đoán  con khỉ nằm chết ngay đơ, đầu gần lìa khỏi cổ, máu chảy chan hòa.
Câu truyện trên không có hậu. Người ngoại quốc không cần hậu. Có sao họ kể vậy. Tôi- người viết- cũng sao y bản chánh,  không hoa hoè hoa sói, màu mè riêu cua để lấy lòng đọc giả.
Khi viết tạp ghi với chủ đề “ bắt chước “, tôi biết đả tự nhảy vào ổ kiến lửa. Vâng, kiến lửa đốt đau lắm, nhẹ thì bị sưng vù. Còn nặng nếu không đi bác sĩ có thể nguy đến tính mạng. Vì nó đụng chạm lung tung, bên trái, bên phải, đằng trước, đằng sau, phía trên phía dưới v v. Nhưng không viết thì ấm ức lắm. Thôi thì một liều, ba bảy cũng liều. Có gan làm, có gan chịu.
Một số nhỏ người việt mình hay bắt chước. Bắt chước không cần óc sáng tạo,không cần thông minh, dễ dàng như trở bàn tay nên chẳng có gì là vẻ vang. Ai cũng làm được. Do đó chữ  “việt “ tôi xin phép không viết hoa. Xin kể một vài sự việc  điển hình, từ nhỏ đến lớn. Có nhiều lắm nhưng vì là “ tạp ghi” nên nội dung phải  ngắn và gọn. Chứ cứ bình thường mà viết, bài có thể liên tu bất tận, không thua gì truyện Tam Quốc Chí! Cũng xin nói thêm có vài tên thật tôi phải kể trong bài nhưng tôi chưa bao giờ gặp họ, chưa được hầu chuyện với họ nên vấn đề tình cảm như thương yêu, ghen ghét hay thù hằn không được đặt ra ở đây. Cầu mong quý vị đó không phiền hà gì. 
                                                Đôi giày Bala
         

Khi  còn đi học, tôi chỉ có đôi săng đan duy nhất. Xuân, Hạ, Thu, Đông, nắng sáng mưa chiều: mặc , vẫn đôi săng đan đó, miễn là đừng đi chân không tới trường. Nếu có đứt quai thì ráng tìm cách mà dán hoặc khâu lại. Cực chẳng đã, nếu không được thì xin Mẹ đôi mới. Thế rồi lên trung học thày dạy thể dục nói học  sinh phải có đôi giày bằng vải để dễ chạy nhẩy. Tôi về thưa lại cùng Mẹ tôi. Chẳng rõ vì muốn tiết kiệm cho ngân quỹ gia đình hay vì đọc ba chớp ba nhoáng hai chữ Bala tưởng là Bata nên Bà mua một đôi về cho tôi. Nên nói ngay ở đây, thời đó khoảng 1950 trở về sau, người Pháp có giày Bata rất nổi tiếng ở Đông Dương. Một ông ( hay bà) nào đó- “người mình “-  có sáng kiến mở một hãng giày lấy tên Bala. Người đó mập mờ đánh lận con đen. Giày này trông cũng tàm tạm được tuy không thanh tao bằng đôi Bata nguyên thủy. Cũng dễ bán vì giá rẻ. Thí dụ giày Bata cùng số bán 40 đồng, phe Bala ta chỉ bán 30-32 đồng thôi ! Mua hai đôi giảm xuống còn có 55 ! Lời chán!
Tôi trong cái tuổi đang lớn, ăn không biết no, ngủ chẳng muốn dậy nên không thèm để ý đến nhãn hiệu  giày làm gì cho mệt. Khốn nỗi thằng bạn cùng lớp có tính thọc mạch, khám phá ra và la làng:
 “- Ớ tụi bay ơi, thằng Mai đi giày Bala !”
Lúc đó tôi mới vỡ lẽ Bala bắt chước tên Bata! Tôi nghiên cứu đôi giày mới rồi chống đỡ một cách yếu ớt:
“- Giày Bata chỉ có 2 lỗ thông hơi ở ngang gang bàn chân. Giày tao có những ba lỗ. Như vậy chân tao không thối.”
Mặc cho tôi phân trần, mặc cho tôi ngụy biện, nó cứ gọi tôi là Mai Bala. Thế có cáu không? Tôi nổi giận, rượt nó( vì tôi khoẻ hơn ) định bụng đè nó ra, bắt nó ngửi chân tôi. Nó chạy nhanh lắm, tôi bắt không được. Tôi không thực hiện được ý định trên nhưng nó và vài đứa khác thấy tôi dữ dằn không dám gọi tôi là..Mai Bala nữa. Tôi tạm thời yên thân!
 
                                                
                                                         Elvis

                                                  
Elvis Phương là một nam ca sĩ hàng đầu của làng ca nhạc Viêt Nam. Thì cứ tạm gọi như vậy. Chẳng chết thằng Tây ba gạch nào. Anh có giọng “te-no” cao vút, rất đáng kính nể. Anh thuộc loại đẹp trai, con nhà giàu, học giỏi. Nghe nói anh được gia đình cho sang Pháp học y khoa nhưng nghề thày thuốc không làm anh rung động. Anh dửng dưng với cái danh hiệu “Bác sĩ “. Anh chỉ mê mẩn âm nhạc nên gia đình đành bóp bụng chiều anh, cho anh ở lại quê nhà theo nghề ca hát. Cho đến đây thì chưa có gì để viết cả !
 Tên cúng cơm cha mẹ anh đặt cho anh là Ngọc Phương. Nhưng khi thấy Elvis Presley nhún nhẩy như lên cơn kinh phong trên sân khấu, mặc quần áo diêm dúa, tóc chải kiểu đít vịt, chàng ca sĩ Ngọc Phương yêu mến của chúng ta bắt chước ngay boong. Trước hết anh đổi thành: Elvis Phương. Tóc anh cũng chải đít vịt. Quần áo chẳng giống ai. Giáng điệu anh giống hệt Presley. Nếu quí vị đã nghe bài: it’s now or never do Elvis Presley hát, rồi lại nghe Ngọc Phương hát, quý vị sẽ té ngửa- có thể chết giấc được- vì Ngọc Phương bắt chước y hệt, có khi còn “ nhuyễn “ hơn cả Presley thứ thiệt! Còn rất nhiều bài khác nhưng vì khuôn khổ của bài, không thể kể hết ra đây. Tôi tự hỏi: nếu  Elvis Presley nhảy cò cò ra sân khấu để hát,  hoặc vừa hát vừa..ngoắy lỗ tai, Ngọc Phương có đủ can đảm bắt chước y hệt như vậy không? Ngọc Phương ơi, tại sao anh lại hành động như một con khỉ? Hay anh nghĩ khỉ là tổ tông của loài người ?
Nếu anh suy nghĩ chính chắn hơn, nếu anh cố gắng luyện giọng hát thật hay để rồi bên kia bờ đại dương, Elvis Presley phải đổi lại tên Ngọc Phương Presley, lúc đó chúng tôi hãnh diện biết bao? Đầu cổ chúng tôi có dịp ngửng cao hơn vì tự ái dân tộc được vuốt ve.
 Anh thấy người ta nổi tiếng rồi anh đi tắt mượn tên người ta gán vào tên anh: xin lỗi anh, bố con chó xồm làm cũng được !! Ta gọi là thấy sang bắt quàng làm họ. Người tự trọng, có chút liêm sỉ không làm như vậy. Anh cứ tưởng tượng: Khánh Ly, Lệ Thu, Thái Thanh một ngày đẹp trời nào đó bắt chước anh, đổi tên thành : Sylvie Khánh Ly, Dalida Lệ Thu, Doris Thái Thanh ( 2).. Người ngoại quốc còn coi nền âm nhạc của nước mình ra cái  “ĐIẾU”  gì nữa , hả Elvis Phương ..yêu quý của chúng tôi????
Bên Tây có bài: Non! je ne t’aime plus( Christophe). Không bao lâu sau bên nước mình  xuất hiện bài: Không! Không! Tôi không còn yêu em nữa !! Không bắt chước thì là cái gì đây, hả Trời cao Đất dày?


Yul Brynner


Anh chàng tại tử Yul Brynner( gốc Mông Cổ thì phải) chẳng biết ăn phải cái giống gì ( !!!) hay tại di truyền mà tóc rụng hết trơn. Đầu anh trọc lóc, láng coóng, nhẵn thín như.. đít ếch, mặc dầu tuổi đời anh còn nhỏ.. Tìm trắng con mắt ra cũng không thấy ..một sợi lông. Thật ra, tôi muốn nói một sợi tóc.(3). Anh có cặp mắt nhìn ai cũng gườm gườm như muốn ăn thịt người ta. Đàn bà, con gái chắc rất khó chịu vì có cảm tưởng mình bị lột quần áo. Anh được mời đóng phim The King and I. Trong phim  anh ôm cô giáo nhẩy đầm như một lực sĩ chạy chung quanh cung điện tập thể thao. Và trong phim the Magnificient Seven, anh đóng vai người hùng bảo vệ một làng Mễ Tây Cơ hiền hoà nọ. Anh bắn bách phát bách trúng. Phim này được chiếu đi chiếu lại ở Saigon và xuất nào cũng nghẹt khán giả. Chỉ có thế thôi và  Yul Brynner bỗng trở thành thần tượng của lớp trẻ VN bấy giờ. Thanh thiếu niên thi nhau cạo trọc đầu. Cậu nào có cái đầu trọc lóc được coi như  “ dân trì”, “dân chơi “  “dân dao búa”. Nghĩ cho kỹ, thật đau lòng. Bắt chước ai không bắt chước, lại bắt chước thằng cha mang bịnh rụng tóc! Chán mớ đời.


Cao Kỳ

Bây giờ nói qua về Nguyễn cao Kỳ. Chuyện của ông này dài lắm, không thua gì chuyện của Nhân Dân Tự Vệ khi xưa. Xin quý vị đọc giả an tâm, tôi không viết xấu về ông ta đâu. Viết sao cho xuể ! Và nâng bi thì cũng không nốt. Ông ta chẳng có điểm gì đặc biệt để đánh bóng.Tôi chỉ viết( không thêm không bớt) về tính bắt chước của ông ta. Kỳ ít học. Chữ nghĩa không đầy một dúm. Ông ta đi lính cho Tây từ hồi xa xưa và được quan thầy gửi đi Marrakech( nước Maroc) học lái máy bay. Về nước, ông ta gặp may lên chức như diều gặp gió. Hết đảo chánh đến chỉnh lý lại...phản đảo chánh. Chẳng mấy chốc ông ta đeo sao ở cổ áo. Ông mê đọc Cô gái Đồ Long ( Kim Dung )và bắt chước Trương Vô Kỵ, chờ ngày về hưu, quyết ở nhà kẻ lông mày cho vợ. Kẻ lông mày cho vợ thật ra chẳng có gì là xấu. Mang danh là một tướng Tư Lệnh Không Quân, một vị phó Tổng Thống, một Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương mà đi bắt chước như vậy,  tôi e rằng sự thông minh của Kỳ bị giới hạn. Một người lèo lái con thuyền Quốc Gia mà thông minh bị giới hạn thì con thuyền đó chẳng chóng thì chầy sẽ chìm lỉm mà không cần phải chờ phong ba bão táp  hay bị đụng đá ngầm.
 Sang Mỹ, người viết vô tình được thấy bán ở chợ K Mart những tượng hình bằng nhựa ( loại cho trẻ con chơi) mặc bộ đồ bay, đeo kính mát, râu mép đen nhánh , tay khuỳnh ra như sửa soạn đấu súng. Dù trí nhớ kém cỏi cách mấy, ai ai cũng nhận ra đây là “ tướng Râu Kẽm khả kính” của  miền Nam thủa nào. Người viết vội vã ra về, sợ ai đó bất chợt vỗ vai hỏi:
- Ông có nhận ra ai không? !!
Và tôi bổng nhớ lại : Kỳ rất mê tài tử cao bồi John Wayne ! Anh chàng đại tài tử to con  này rất nổi danh bắn đâu trúng đó giết mọi Da đỏ như..giết ngoé. Bách chiến bách thắng. It khi thấy anh ta bị thương. Và bị giết thì hình như chưa bao giờ. Vì thế ở California có phi trường John Wayne và cũng vì thế người Da Đỏ mới dùng tên ông ta để quảng cáo cho những cuốn ....giấy đi cầu! Tới đây người viết xin phép được ra ngoài đề chút đỉnh:


The Green Berets

              John Wayne sang VN đóng phim Green Berets ( Lực lượng đặc biệt).Một cảnh rất kỳ quái đã được dựng lên: Được mật tin một nhân vật cao cấp Bắc Việt vào thăm Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam và tạm trú ở rừng U Minh, John Wayne cho lính mũ xanh bao vây. Đó là một biệt thự rất sang trong, không thua gì ở Hawai hay Florida. Đèn điện sáng trưng. Khoảng 10 giờ đêm, người ta thấy một xe DS19 chở yếu nhân  vào biệt thự. Đó là một người đàn ông khoảng trên dưới 40 tuổi. Đi bên cạnh ông là một cô xinh xắn trẻ đẹp thơm như múi mít, trông rất lẳng lơ, miệng luôn nở một nụ cười. Champagne được khui. Và thức ăn được dọn ra.  Giờ này ai mà nghĩ tới ăn với uống! Họa may có khùng! Thì giờ là vàng bạc! Người đàn ông vội vã cởi quần áo mình ra. Cô gái trẻ đẹp cũng vậy. Hai người trần truồng như nhộng.Và họ ráp vô làm tình. Trong lúc đó ở ngoài John dùng ống nhòm quan sát. Khi thấy hai thân hình dính vào nhau, coi như đã chín mùi, John phất tay ra hiệu, các binh sĩ Mỹ bèn lấy cung tên bắn hạ các lính gác biệt thự. Phập! Phập! Phập! Không một tiếng động. Không một tiếng la. Êm ru bà rù. Những thân người đổ xuống như cây chuối.  John  và mấy người lính ập vào phòng. Người đàn ông  và người đàn bà đang vui thú cuộc mây mưa đâu có biết trời trăng gì nằm im chịu trận. Một binh sĩ Mỹ nhanh tay chích vào mông người đàn ông một mũi thuốc mê. Một binh sĩ khác mặc vội cho người đàn ông đó bộ quần áo rồi vác ra sân. Họ cột ông ta vào chiếc bong bóng rất lớn, lấy bình hydrogen thổi vào. Chỉ mấy phút sau bong bóng bay bổng lên trời, mang theo nhân vật cao cấp của Bắc Việt. Một chiếc C130 cất cánh từ một căn cứ nào đó ở Thái Bình Dương bay lại và vớt anh ta vào lòng tàu, y như ta vớt cá lòng tong ngoài ao bỏ vào rọ! Phẻ re !
             Đó, John Wayne như vậy đó! Người hùng của tướng râu kẽm!!!
            Khi coi đoạn phim này được chiếu ở Mỹ, khán giả  vỗ tay ầm ỹ tán thưởng. Rạp ciné tưởng chừng như muốn vỡ ra. Họ không biết phim ảnh, truyền hình và báo chí đôi khi đã hiếp dâm sự thật.
              Bà Nguyễn thị Bình và ban tham mưu của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam coi xong đoạn này đã cười ngặt nghẽo, cười nghiêng ngả, cười đến chảy nước mắt. Và bà Bình hình như đã tè cả ra quần vì người ta đã thấy bà vội vàng vào phòng vệ sinh. Chi tiết này khó kiểm chứng được nên tôi viết với tất cả sự dè dặt.
              Còn người Việt di tản? Họ chỉ biết lắc đầu cười buồn. U Minh chỉ có rừng cây tràm với nước phèn cao tới bụng thì làm sao  có  được  đường tráng nhựa để cho xe DS19 đi? Tìm cả ngày cũng không ra được một mái nhà tranh mà trong phim có villa ngay giữa rừng già thì đúng là chuyện khôi hài đen! Ban đêm còn đèn điện sáng choang, có khác gì nói với pháo đài bay B52: lạy ông, tôi ở bụi này. Xin đừng dội bom, tội nghiệp !!
              Hậu quả là ông Graham A. Martin vị Đại Sứ khả kính Mỹ cuối cùng ở VN, ngày 29 tháng tư năm 75 đã phải hối hả leo lên trực thăng bay ra Đệ Thất Hạm Đội để tẩu thoát. Lá cờ Hơp Chủng Quốc đã không được hạ xuống theo đúng lễ nghi ngoại giao mà còn bị vo tròn cho vào sac đem về trình Washington DC. Hơn một triệu quân nhân, công chức và cán bộ Miền Nam dắt díu nhau vào trại cải tao. Trên 57000 lính Mỹ đã hy sinh một cách oan uổng.....


Nghệ thuật thần thánh hóa
           

              Người Cộng sản có thói quen thần thánh hoá một nhân vật nào đó (có công lớn hoặc trung kiên với Đảng chẳng hạn) để rồi tôn vinh.  Thần thánh hoá là viết cho văn hoa. Chứ viết theo kiểu bình dân thì gọi là bơm vào .. đít(!) người đó cho phình ra rồi đem  “thoa son đánh phấn “để thành siêu nhân”. Thật tình ông ta cũng chỉ như người thường. Cũng ăn cũng ị, cũng hỉ nộ ái ố như trăm ngàn người khác. Ở “Nga Cộng” thì có Vladimir Lenin, có Joseph Vissarionovich Stalin. Ở “Trung Cộng” thì có Mao Trạch Đông. Và ở  “Viêt ... Cộng”  thì có Hồ Chí Minh. Họ Hồ còn có những tên khác như  Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Sinh Cung v v. Bố ai biết được tên thật của ông là gì!
Tên tuổi bác đã dược đánh bóng rất kỹ. Xin hãy lắng  tai nghe các em thiếu nhi hát:
Ai yêu bác HCM hơn chúng em nhi đồng?
.........................................................
Bác chúng em dáng thanh thanh người cao cao
Bác chúng em mắt như sao râu hơi dài
Bác chúng em da hơi ngăm vì sương gió
Bác chúng em hút Bat tô ( Bastos) ăn khoai mì..
                                                                                     
 Vào những năm 1910, Stalin tranh đấu cho giới lao động, công nhân và thợ thuyền chống trả bất công nên được coi như người hùng và để trả công ông, đảng Cộng sản Nga Sô đổi tên thành phố Volgograd thành Stalingrad. Thuyết Leninisme một thời được coi như thánh kinh, là sách gối đầu giường của người Cộng  Sản nên Đảng thay tên thành phố St Petersburg thành Leningrad. Xác Lenin được ướp và lộng hòm kính để dân chúng chiêm ngưỡng.
Phe ta bắt chước y chang. Tiếng tây gọi là cóp-pi công phoọc. ( 4).  Năm 1969, khi bác chết, xác bác cũng được ướp và lộng hòm kính. Nghe đâu Đảng ta phải mời gấp chuyên viên Nga Sô sang cứu bồ vì xác bác đả bắt đầu lên mùi. Tháng tư năm 75, Saigon bị bức tử và bị gán tên mới là thành phố Hồ Chí Minh.
Nhưng rồi với thời gian, lịch sử đã chứng minh Stalin chỉ là tên đồ tể khát máu, thanh toán những người bất đồng chính kiến không gớm tay thì Stalingrad trở về tên cũ Volgograd. Thuyết Leninisme xét cho cùng rỗng tuếch, không thực tế, vô bổ nên bị rơi vào quên lãng. Các tượng Lenin bị giựt xập( 5), xác Lenin được mang về quê  ông để chôn và St Petersburg được hoàn trả tên cũ.
Vậy phe ta đã lỡ bắt chước đàn anh từ đầu thì phải bắt chước cho tới cùng: Xóa tức khắc tên HCM  trả vô điều kiện lại Saigon tên nguyên thủy. Còn xác bác muôn vàn kính yêu,hãy mang về Nghệ Tĩnh ( ???) chôn cất để may ra hương hồn bác được siêu thoát. Mong lắm thay!
                                                          

                                                                    Hà Mai Kim


Lưu ý
             Tất cả các động từ bắt chước  trong tạp ghi được cố tình nhắc đi nhắc lại nhiều lần, được viết chữ đậm và được gạch ở dưới
           ( 1) Không gì quý bằng độc lập và tự do: Lời của ....bác
           ( 2) Sylvie Vartan, Dalida, Doris Day ; các nữ danh ca.
           ( 3) Người viết muốn giới thiêu với người ngoại quốc tiếng Việt rất phong phú và đa dạng.
          ( 4) Copie conforme.
          (5) Một tượng Lenin vẫn còn ở HàNội. Và dân chúng rất “ bức xức”. Do đó có hai câu thơ:
                                                                     Lê Nin là người nước Nga
                                                      Sao ông đứng giữa vườn hoa nước mình.???

Đúng là nâng bi ..quá cỡ. Hết nước nói...


Hà Mai Kim

jeudi 16 octobre 2014

ANH ĐÀO VỠ



Tôi sẽ đi thôi, Đà Lạt nhé
Dấu chân son, mắt biếc nhớ thương
Môi hồng héo nụ, em hờn dỗi
Tà áo tìm tôi trong gió ngoan


Tôi nghe xôn xao trời mênh mông
Trên cao nguyên vẫn lạnh như đồng
Lũng xa mây tím sầu thăm thẳm
Cùng gió qua đèo tôi ruỗi rong


Tôi rời Đà Lạt, anh đào vỡ
Quay quắt hồ xưa khua sóng trôi
Ngàn thông ngơ ngác, rừng nghiêng ngả
Ghềnh thác đồi non chôn tuổi tôi


Ngự Thuyết

mercredi 15 octobre 2014

VƯƠNG VẤN


(Gửi Đông Hương )

Sợi dây phiền muộn căng trong trí
Em giữ một đầu nối nhớ thương
Ta buộc đầu kia vào định mệnh
Chưa ai muốn kéo đứt tơ vương

Về buông cơn gió qua miền rộng
Ta thả niềm vui bay khắp nơi
Đời trút sợi mưa chiều đẫm ướt
Tan hoang hạnh phúc giữa lưng trời

Em về bên phía tinh cầu sáng
Ta ở lại đây với nắng chiều
Ngày tháng giăng tơ qua trước ngõ
Đợi ta cùng bước xuống đìu hiu

Tình thơ treo giữa trời lơ lửng
Ta bỏ vào thơ một chữ sầu
Theo bóng mây in trên mặt nước
Thơ còn trôi mãi đến ngàn sau

Tuổi hoàng hôn mọc bên triền núi
Ta đứng ngẩn ngơ cuối nẻo trần
Em buộc dây tình quanh trái đất
Cho ta vương vấn suốt trăm năm

 ĐỖ HỒNG

lundi 13 octobre 2014

Em thương

Sáng nay xếp hoa tim :
 
 
Đóa hồng sương mơn:
 
 
Hồng Tím mới trồng:
 
 

samedi 11 octobre 2014

PHỐI ÂM: BIỂN VÀ NỖI NHỚ - MỘT THOÁNG MƠ QUA


dấu vết một trời ươm hạt lệ
dư ảnh mùa Thu không lá rơi
vì sao? ai hỏi làm sao kễ
lỗi nửa vì em, lỗi nửa Người
*
thầm kín xanh xao hơn biển trẻ
em ngồi vọc mãi thủy triều xưa
mười nhánh gầy đan nhau, lặng lẽ
khuya trào mặn khóe kẽ chờ mưa
*
chao nghiêng hương nhớ lên mây biếc
chạm nắng hồng Xuân thuở biết yêu
ngó lại hướng đầu tiên tha thiết
hằn lên biên giới hoàng hôn chiều
*
em đem giấu kín rương tình cảm
vờ nguôi ngọn sóng biển thu ba
em nối hai đầu khuya với sớm
giữa để tình nhau lịm giấc ngà
*
quen những triều âm vang buồn lạ
gối đầu nghe tiếng hát ngư nhân
ôm hòn sỏi lạnh hôn lên má
mà như lòng nhớ lắm tri âm

đht

MỘT THOÁNG MƠ QUA


Cảm tác từ bài thơ của đh:
BIỂN VÀ NỖi NHỚ


Tiền kiếp ta làm thân lãng tử

Một đời Phạm Lãi nhớ Tây Thi

Ôm đàn dạo khúc sầu lưu thủy

Lỡ hẹn trăm năm với Tử Kỳ
*
Nay gặp tri âm miền đất lạ

Dòng thơ mật ngọt thuở hồng hoang

Chảy cùng tư tưởng xuôi về biển

Thành lũ tình yêu ngập thế gian
*
Nhất nhật tam thu tình bất kiến (*)

Mỗi bài hạnh ngộ, một hành tinh

Một làn dao khắc vào da thịt

Để nhớ thiên thu một bóng hình
*
Em đến từ đâu trong vũ trụ

Làm cơn bão nhỏ giữa đời ta

Cho ta nghiêng ngả trong trời đất

Như cỏ tương tư trước gió mùa
*
Còn lại ngày vui ly rượu cạn

A-dam ngồi hát gọi E-và

Lời ca lạc lỏng vườn khuya vắng

Một thoáng mơ qua trái đất già


3:30 chiều thứ bảy 11/10/2014

Đỗ Hồng

* Nhất nhật bất kiến như tam thu hề

MỘT THOÁNG MƠ QUA


Cảm tác từ bài thơ của đh:
BIỂN VÀ NỖi NHỚ

 


Tiền kiếp ta làm thân lãng tử

Một đời Phạm Lãi nhớ Tây Thi

Ôm đàn dạo khúc sầu lưu thủy

Lỡ hẹn trăm năm với Tử Kỳ
 
Nay gặp tri âm miền đất lạ

Dòng thơ mật ngọt thuở hồng hoang

Chảy cùng tư tưởng xuôi về biển

Thành lũ tình yêu ngập thế gian
 
Nhất nhật tam thu tình bất kiến (*)

Mỗi bài hạnh ngộ, một hành tinh

Một làn dao khắc vào da thịt

Để nhớ thiên thu một bóng hình
 
Em đến từ đâu trong vũ trụ

Làm cơn bão nhỏ giữa đời ta

Cho ta nghiêng ngả trong trời đất

Như cỏ tương tư trước gió mùa

  Còn lại ngày vui ly rượu cạn

A-dam ngồi hát gọi E-và

Lời ca lạc lỏng vườn khuya vắng

Một thoáng mơ qua trái đất già


3:30 chiều thứ bảy 11/10/2014

Đỗ Hồng

* Nhất nhật bất kiến như tam thu hề

YÊU EM VỚI CẢ TÌNH NHÂN LOẠI

 
( Gửi ĐH)
Ta đứng cách nhau làn khói mỏng
Cơ hồ xa thẳm cả trùng khơi
Lời tình trong gió mùa xao xuyến
Lơ lửng ngàn năm giữa đất trời


Ngày tháng quẩn quanh bờ vực thẳm
Mong tìm gặp lại những niềm vui
Dấu chân nhân loại dần thưa vắng
Trôi mãi phận này theo nước xuôi


Ta muốn về thăm vườn mộng cũ
Tặng cành hoa nhỏ một phần đời
Để yêu và sống bên em mãi
Thay trái tim hồng đã nghỉ ngơi


Sáng dậy biết ta còn được sống
Có thêm ngày mới để quên nhau
Được nghe chim hót lời nhân ái
Sau giấc chiêm bao thế kỷ sầu


Ngồi viết bài thơ cho kiếp trước
Bằng trời hạnh phúc vẫn đi tìm
Yêu em với cả tình nhân loại
Với giọt cuối cùng của máu tim

 ĐỖ HỒNG

DÁNG NẰM CỦA CỎ




Nằm nghiêng tới phía hành tinh tối
Nhân loại còn ai đi với ta?
Một bóng lang thang vào tuyệt lộ
Hành trang còn lại ánh trăng tà

 
Nằm nghiêng về phía trăm năm cũ
Xem lại đoạn phim phút cuối cùng
Ta ngẩn ngơ nhìn ta nuối tiếc
Trong vai vương đế mất hoàng cung

 
Ta nằm ngửa mặt lên trời thẳm
Tay với hư không đo kiếp người
Mù mịt thiên đường nay khép cửa
Ba ngàn thế giới bóng chơi vơi

 
Chiều nằm nhắm mắt chờ tan biến
Thành bụi bay trong vũ trụ sầu
Ta hẹn cùng em về đất mới
Nối tình dang dở với ngàn sau

Nằm nghe trái đất quay buồn bã
Chẳng biết phía nào đang có em
Ta sống một đời như cỏ úa
Trái tim còn đựng nỗi niềm riêng 
  
Đỗ Hồng

mercredi 8 octobre 2014

TRÊN DỐC THỜI GIAN


( Gửi đông hương )

Trên dốc thời gian ta khánh tận
Còn bao năm tháng để yêu nhau
Hoàng hôn ngả bóng về thơ thẩn
Trời đất mênh mang một khối sầu

Còn túi càn khôn tờ bạc cuối
Ta ngồi đánh cuộc với niềm vui
Qua làn sương khói mờ nhân ảnh
Chợt thấy tình ta chết ngậm ngùi

Ta đến ngã tư đời rẽ nhánh
Ngựa xe tiếp nối cuộc phân kỳ
Em còn nép bóng mùa thu trước
Đứng lặng nhìn đời vội vã đi ?

Em ném vào ta viên đá cuội
Cho lòng dâng sóng nhẹ trăm năm
Cho vầng trăng vỡ đêm tan tác
Trên đỉnh tình yêu lửa chuyển ngầm

Như bão bay qua miền nhiệt đới
Em đi tàn phá mảnh hồn ta
Còn đây một khối tình hoang phế
Dù đến ngàn thu vẫn thiết tha

 Đỗ Hồng